Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 0 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Viết: Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội SVIP
I. YÊU CẦU
* Kiểu bài: Báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội là kiểu bài trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội dựa trên những bằng chứng đã thu thập từ quá trình khảo sát thực tế, thu thập và phân tích dữ liệu/ thực nghiệm những giải pháp mà người nghiên cứu đề xuất.
* Yêu cầu đối với kiểu bài:
- Xác định được đề tài và câu hỏi nghiên cứu.
- Thực hiện được các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu.
- Trình bày được đầy đủ, sáng rõ và thuyết phục các kết quả nghiên cứu bằng văn phong khoa học.
- Sử dụng, phân tích được đa dạng loại dữ liệu trong nghiên cứu, xác định được tính cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu.
- Sử dụng phù hợp các trích dẫn, cước chú, các phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu,...) để làm rõ thông tin.
- Trình bày phần tài liệu tham khảo đúng quy cách.
* Bố cục văn bản báo cáo gồm các phần, mục:
- Tên đề tài/ nhan đề báo cáo.
- Tóm tắt: Trình bày tóm tắt mục tiêu, phương pháp, phạm vi nghiên cứu.
- Từ khoá: Nêu từ ba đến năm từ quan trọng liên quan đến nội dung nghiên cứu.
- Mở đầu: Nêu vấn đề nghiên cứu; trình bày lí do chọn đề tài; xác định nhiệm vụ, câu hỏi, phương pháp và phạm vi nghiên cứu.
- Nội dung chính:
+ Trình bày cơ sở lí thuyết của đề tài.
+ Trình bày kết quả khảo sát, giải pháp đề xuất và kết quả thực nghiệm.
+ Trích dẫn, chú thích đúng quy cách; sử dụng phù hợp, hiệu quả các phương tiện hỗ trợ để làm rõ kết quả nghiên cứu (hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ,...).
- Kết luận: Tóm tắt nội dung báo cáo, khẳng định ý nghĩa, giá trị của kết quả nghiên cứu; gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài (nếu có).
- Tài liệu tham khảo: Trình bày danh mục tài liệu tham khảo theo thứ tự A, B, C gồm các thông tin chính như: tên tác giả, năm xuất bản, tên tài liệu, tên nhà xuất bản/ tạp chí.
- Phụ lục (nếu có).
II. PHÂN TÍCH BÀI VIẾT THAM KHẢO
Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lí rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp xác định khối lượng và thành phần rác thải đối với khu dân cư, nhà hàng, cơ quan công sở, chợ dân sinh và khu công cộng kết hợp với phỏng vấn, điều tra khảo sát để: (1) đánh giá hiện trạng phát sinh rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; (2) đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lí rác thải nhựa tại địa phương. Nghiên cứu được thực hiện trong hai tháng tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Từ khoá: Rác thải nhựa, nhựa, nguồn phát sinh rác, quản lí môi trường, Thượng Cát.
1. MỞ ĐẦU
Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về lượng rác thải nhựa, tương đương với 1,83 triệu tấn/ năm (Jambeck và cộng sự, 2015). Với điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, những năm gần đây, kinh tế của phường Thượng Cát, thuộc quận Bắc Từ Liêm, phía tây Hà Nội phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách tại địa phương. Do số liệu đánh giá hiện trạng chưa đầy đủ và thực trạng quản lí rác thải nhựa chưa hợp lí nên tình trạng ô nhiễm này chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về chất thải rắn sinh hoạt, nhưng còn khá ít nghiên cứu về rác thải nhựa, đặc biệt là phương pháp đánh giá rác thải nhựa cho một khu vực. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại phường Thượng Cát là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn vì trên cơ sở đó có thể đề xuất giải pháp nhằm quản lí hiệu quả hơn rác thải nhựa. Kết quả và phương pháp đánh giá của nghiên cứu này có thể được triển khai cho các địa phương khác trên cả nước. Nghiên cứu này được thực hiện để trả lời cho các câu hỏi sau: Hiện trạng phát sinh rác thải nhựa tại phường Thượng Cát như thế nào? Cần có giải pháp nào để nâng cao công tác quản lí rác thải nhựa tại địa phương?
Các phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng: (1) xác định khối lượng và thành phần rác thải đối với khu dân cư, nhà hàng, cơ quan công sở, (2) xác định khối lượng và thành phần rác thải đối với chợ dân sinh và khu công cộng, (3) kết hợp với phỏng vấn, điều tra khảo sát các hộ gia đình, chủ nhà hàng, người lao động tại khối cơ quan, công sở và công nhân thu gom rác. Nghiên cứu được thực hiện với 7 tổ dân phố và 2 587 hộ gia đình của phường Thượng Cát.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Khái niệm rác thải nhựa
Rác thải nhựa thuộc loại chất thải rắn, đó là những vật chất ở thể rắn được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2020). Vì vậy có thể hiểu rác thải nhựa là những vật dụng bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không còn được dùng nữa và bị loại bỏ, khó phân huỷ hoặc lâu phân huỷ trong môi trường thải bỏ (môi trường nước, đất hoặc bãi chôn lấp chất thải rắn).
2.2. Kết quả nghiên cứu và đề xuất
2.2.1. Thành phần và khối lượng rác thải nhựa theo từng nguồn
a. Khu dân cư
Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình là 620,88 kg/ ngày, chiếm 10,6% tổng lượng chất thải rắn. Trong số đó có 33,3% lượng rác thải nhựa tái chế và 66,7% lượng rác thải nhựa không thể tái chế. Trong khu dân cư, loại rác thải này thường được thu gom và phân loại rất tốt để bán lại cho các cơ sở tái chế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là rác thải nhựa không thể tái chế lại chiếm tỉ trọng cao (66,7%). Việc thu gom loại rác thải này thường không được quan tâm vì chúng không thể được tái sử dụng và không có lợi ích kinh tế. Việc xử lí chúng cũng rất khó khăn. Phương pháp xử lí phổ biến hiện nay (đốt và chôn) tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
b. Nhà hàng
Khối lượng rác thải nhựa phát sinh từ các nhà hàng chiếm 21% lượng chất thải rắn sinh hoạt. Tổng lượng rác thải từ các nhà hàng của phường Thượng Cát là 168 kg/ ngày.
Thành phân chất thải rắn phát sinh từ nhà hàng và từ chợ Thượng Cát
c. Chợ
Theo kết quả nghiên cứu, rác hữu cơ (rau, củ, quả và đồ ăn hỏng) phát sinh từ chợ Thượng Cát chiếm 63% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt; lượng rác thải nhựa chiếm 22% (tương đương với 452,6 kg/ ngày). Thành phần rác thải nhựa tại các khu chợ chủ yếu là túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây là nguồn rác thải nhựa lớn trên địa bàn phường và việc xử lí, thu gom, phân loại gặp nhiều khó khăn.
d. Khu cơ quan, công sở
Lượng rác thải nhựa phát sinh từ nguồn này chiếm 20% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của các khu hành chính, công sở, với thành phần chủ yếu là nhựa văn phòng phẩm, thiết bị hỏng, ni lông,...
Thành phần chất thải rắn phát sinh khu cơ quan, công sở, tại tuyến đường và các khu công cộng phường Thượng Cát
e. Chất thải rắn sinh hoạt từ các hoạt động quét đường và từ các khu công cộng
Nguồn rác này do người đi đường và những hộ dân sống dọc hai bên đường vứt ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng rác thải nhựa chiếm 13% tổng lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên những tuyến đường chính, khu công cộng ở phường Thượng Cát, tương ứng với 154 kg/ ngày.
2.2.2. Khối lượng rác thải nhựa phát sinh tại phường Thượng Cát
Kết quả nghiên cứu thực tế tại khu vực phường Thượng Cát cho thấy lượng chất thải rắn phát sinh 10 436 kg/ ngày, trong đó, lượng rác thải nhựa chiếm 1 508 kg/ ngày. Theo bảng 1, tỉ lệ rác thải nhựa phát sinh trong ngày tại khu dân cư là nhiều nhất (41,2%), tiếp theo là tại khu chợ (30%) và thấp nhất là tại khối cơ quan, công sở (7,5%).
Cũng theo bảng 1, lượng rác thải thu gom được là 9 723 kg/ ngày, đạt 93,2%. Như vậy, công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn đạt hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, tỉ lệ thu gom rác thải nhựa chỉ đạt 80,6% trong tổng số rác thải nhựa phát sinh. Có thể lí giải bởi hai nguyên nhân chính: (1) lượng rác thải nhựa có thể tái chế được các hộ gia đình hoặc công nhân thu gom rác trên địa bàn phường thu gom, phân loại tại nguồn để bán cho cơ sở tái chế; (2) còn lượng rác thải nhựa không được thu gom có thể đã bị vứt bừa bãi vào các ao hồ, đồng ruộng, vườn.
Bảng 1: Khối lượng chất thải sinh hoạt và rác thải nhựa trên địa bàn phường Thượng Cát
[1] Tổng: được xác định từ việc tính toán lượng rác thải phát sinh tại các nguồn.
[2] Khối lượng rác thải thu gom: được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Xử lí chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội (Uỷ ban nhân dân phường Thượng Cát, 2020).
2.2.3. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí rác thải nhựa tại phường Thượng Cát
Căn cứ vào kết quả trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lí rác thải nhựa tại phường Thượng Cát. Thứ nhất, hoàn thiện, triển khai cơ chế, chính sách về quản lí rác thải nhựa, đặc biệt cần làm rõ rác thải nhựa tái chế và rác thải nhựa không tái chế phù hợp với tình hình thực tế của phường. Thứ hai, tăng cường nguồn nhân lực quản lí tại phường và tại từng tổ dân phố. Thứ ba, xã hội hoá mô hình thu gom rác thải sinh hoạt: phường có thể chuyển giao mô hình thu gom rác thải sinh hoạt cho một doanh nghiệp có năng lực, vì rác thải thu gom bao gồm rác thải nhựa có thể tái chế, nếu thu gom tốt doanh nghiệp có thể thu lợi. Thứ tư, cần có giải pháp phân loại rác thải tại nguồn đối với từng loại đối tượng khác nhau. Thứ năm, bổ sung, tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, nhân lực để làm tốt công tác thu gom, vận chuyển; thực hiện đúng quy trình kĩ thuật về xử lí rác thải nhựa không tái chế. Thứ sáu, triển khai mô hình “thu gom rác thải nhựa đổi đồ dùng sinh hoạt”, kết hợp tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa.
3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
3.1. Tỉ lệ rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt đến từ các khu dân cư là thấp nhất (10,6%), cao nhất là rác thải nhựa đến từ các khu chợ với 22%. Tuy nhiên, trong số nguồn rác thải nhựa phát sinh của toàn phường thì rác thải đến từ các hộ gia đình lại nhiều nhất (41,2%), sau đó là từ các khu chợ (30%) và cuối cùng là khối cơ quan, công sở (7,5%). Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khá cao, đạt 93,2% trong khi đối với rác thải nhựa, tỉ lệ thu gom chỉ đạt 80,6%.
3.2. Khối lượng rác thải nhựa phát sinh tại hộ gia đình là 0,24 kg/ hộ/ ngày, trong đó lượng rác thải nhựa tái chế được chiếm 33,3%, còn rác thải nhựa không thể tái chế chiếm tới 66,7%.
3.3. Phường Thượng Cát cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lí rác thải nhựa như: xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; bổ sung nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, xã hội hoá mô hình thu gom rác thải, thúc đẩy thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và đặc biệt áp dụng mô hình “thu gom rác thải nhựa đổi đồ dùng sinh hoạt” kết hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2020). Luật Bảo vệ môi trường.
2. Jambeck, J.R., Geyer, R., Wilcox, C., Siegler, T.R., Perryman, M., Andrady, A.,... & Law, K.L. (2015). Plastic waste inputs from land into the ocean. Science, 347 (6223), 768 - 771.
3. Uỷ ban nhân dân phường Thượng Cát. (2020). Báo cáo tổng kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường năm 2019, 2020 trên địa bàn phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Theo Đào Văn Hiền, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Mạnh Khái
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Bài đăng trên tạp chí Môi trường, số Chuyên đề tiếng Việt III/ 2021,
http://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23/danh-gia-hien-trang-phat-sinh-va-de-xuat-mot-so-giai-phap-nang cao-cong-tac-quan-ly-rac-thai-nhua-tai-phuong-thuong-cat-thanh-pho-ha-noi-25885)
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi
Phương án thể hiện đúng nhất đề tài của bài viết tham khảo trên?
Lựa chọn cụm từ thích hợp điền vào ô trống để làm rõ bố cục của bài viết tham khảo trên.
1.: Đánh giá hiện tượng và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lí rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
2.: Trong nghiên cứu này ... phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
3.: Rác thải nhựa, nhựa, nguồn phát sinh rác, quản lí môi trường, Thượng Cát.
4.: Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới ... Nghiên cứu được thực hiện với 7 tổ dân phố và 2587 hộ gia đình của phường Thượng Cát.
Lựa chọn cụm từ thích hợp điền vào ô trống để làm rõ bố cục của bài viết tham khảo trên.
5.: 2.1. Khái niệm rác thải nhựa, 2.2. Kết quả nghiên cứu và đề xuất (2.2.1. Thành phần và khối lượng rác thải nhựa, 2.2.2. Khối lượng rác thải nhựa phát sinh tại phường Thượng Cát, 2.2.3. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí rác thải nhựa tại phường Thượng Cát).
6.: Kết luận và kiến nghị.
7.: Danh sách tổng hợp các nguồn tham khảo.
Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống.
Những loại dữ liệu được sử dụng trong báo cáo:
+ : Kết quả khảo sát khối lượng và thành phần rác thải nhựa theo từng nguồn như khu dân cư, nhà hàng, chợ, khu cơ quan, công sở, từ các hoạt động quét đường và các khu công cộng,...
+ : Báo cáo tổng kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường năm 2019, 2020 trên địa bàn phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; kết quả nghiên cứu của các tác giả như Jambeck, I.R., Geyer, R., Wilcox, C., Siegler, T.R., Perryman,...
Các phương án nào sau đây là đúng khi nói về vai trò của dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp trong bản báo cáo?
Những phương án nào chứng tỏ thông tin bài báo cáo cung cấp có tính cập nhật, độ tin cậy và sự khách quan?
Những loại phương tiện phi ngôn ngữ nào được sử dụng trong bài báo cáo?
III. THỰC HÀNH VIẾT THEO QUY TRÌNH
Bước 1: Chuẩn bị viết
- Xác định đề tài:
+ Đề tài có thể là một vấn đề tự nhiên (môi trường, khí hậu, hệ sinh thái, tài nguyên,...) hoặc xã hội (hiện tượng xã hội, hiện tượng tâm lí, sự kiện văn hóa, lịch sử,...) được bạn và nhiều người quan tâm.
+ Đề tài nên có tính cụ thể, tránh chọn đề tài quá rộng hoặc quá hẹp, khó triển khai.
+ Đề tài có thể góp phần tìm hiểu một vấn đề thực tiễn hoặc vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế để cải thiện thực trạng.
- Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc, mục tiêu, câu hỏi, phương pháp và phạm vi nghiên cứu:
+ Tránh đặt quá nhiêu câu hỏi nghiên cứu, vượt quá khả năng giải quyết, phạm vi nghiên cứu của đề tài. Từ câu hỏi nghiên cứu, xác định phạm vi tài liệu tham khảo, cơ sở lí thuyết cần tìm hiểu; cách thức điều tra, kháo sát/ thực nghiệm bao gồm cách chọn đối tượng nghiên cứu, loại dữ liệu cần thu thập, cách thu thập, phân tích, đánh giá dữ liệu.
+ Xác định phạm vi nghiên cứu (phạm vi vấn đề nghiên cứu, phạm vi điều tra/ kháo sát, phạm vi thực nghiệm,...) cụ thể và phù hợp với năng lực cá nhân, thời gian và kinh phí thực hiện.
- Thu thập tư liệu:
+ Mục đích của việc thu thập tư liệu là để tìm hiểu cơ sở lí thuyết của đề tài cũng như những đóng góp, hạn chế của những công trình nghiên cứu trước đó có liên quan đến đề tài,... Từ đó, xác định hướng nghiên cứu, đóng góp từ để tài của bạn.
+ Việc thu thập dữ liệu, thông tin cần đảm bảo tính mới mẻ, cập nhật và độ tin cậy cao.
+ Chú ý thu thập cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp để có cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề nghiên cứu.
+ Lưu trữ dữ liệu hệ thống, khoa học bằng cách lập danh mục dữ liệu với đầy đủ thông tin (tên tác giả, năm xuất bản/ công bố, tên dữ liệu, tên nhà xuất bản/ tên tạp chí/ trang web, nội dung cốt lõi/ đóng góp/ hạn chế,... của tài liệu), có thể trích dẫn trực tiếp một số thông tin quan trọng từ dữ liệu hoặc trích dẫn gián tiếp (diễn giải lại các thông tin ấy bằng ngôn ngữ của bạn).
Bước 2: Phác thảo đề cương nghiên cứu
Sau khi thu thập đủ dữ liệu, thông tin, bạn cần đọc kĩ các dữ liệu đó. Tiếp theo, phác thảo đề cương nghiên cứu gồm các phần như: Tên đề tài, lí do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, cơ sở lí thuyết, các dữ liệu cần thu thập, phương pháp thu thập dữ liệu. Trong quá trình thực hiện báo cáo, có thể điều chỉnh đề cương.
Bước 3: Thực hiện nghiên cứu
- Dựa trên các tài liệu đã đọc, phác thảo cơ sở lí thuyết để xác lập căn cứ cho việc khảo sát thực trạng hoặc thực nghiệm giải pháp đề xuất nhằm cải tiến thực trạng.
- Để tăng tính khách quan, độ tin cậy cho kết quả nghiên cứu, cần trực tiếp thu thập các dữ liệu liên quan đến đề tài để làm sáng tó câu hỏi nghiên cứu như: Số liệu thống kê từ khảo sát thực trạng hoặc kết quả thực nghiệm, ý kiến của những người có liên quan đến vấn đề nghiên cứu,... Cần xác định đúng và đủ các loại dữ liệu cần thu thập, trên cơ sở đó lựa chọn, thiết kế công cụ thu thập tương ứng.
- Phân tích, xử lí dữ liệu thu thập được bằng những công cụ phù hợp. Chẳng hạn như có thể phân tích, xử lí các số liệu thống kê bằng cách làm thủ công hoặc sử dụng các phần mềm như Excel, SPSS,...
- Sau khi phân tích dữ liệu thì tiến hành lí giải, phân tích, đánh giá, nhận xét về những thông tin thu thập được.
Bước 4: Viết báo cáo
Trên cơ sở đề cương và các thông tin đã có, tiến hành viết báo cáo kết quả nghiên cứu theo đề cương. Khi viết cần lưu ý:
- Tuân thủ các quy định về hình thức trình bày của một báo cáo nghiên cứu.
- Đưa ra nhận xét, đánh giá khách quan dựa trên bằng chứng thu thập được.
- Sử dụng phù hợp trích dẫn, cước chú và phương tiện phi ngôn ngữ để hỗ trợ việc trình bày kết quả. Chú ý thuyết minh cho các phương tiện phi ngôn ngữ.
- Trình bày tài liệu tham khảo đầy đủ và đúng quy cách.
Bước 5: Xem lại và chỉnh sửa
Sau khi viết xong, hãy đọc lại bài viết của mình và chỉnh sửa dựa vào bảng kiểm sau:
Bảng kiểm báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Phương diện | Nội dung kiểm tra | Đạt | Chưa đạt |
Tóm tắt nội dung | Tóm lược mục tiêu, phương pháp, phạm vi nghiên cứu. | ||
Từ khóa | Nêu được từ ba đến năm từ khóa. | ||
Mở đầu | Giới thiệu được vấn đề nghiên cứu. | ||
Trình bày được lí do chọn đề tài. |
|
| |
Nêu được nhiệm vụ, mục đích câu hỏi nghiên cứu. |
|
| |
Trình bày được phương pháp và phạm vi nghiên cứu. |
|
| |
Cơ sở lí thuyết | Trình bày ngắn gọn cơ sở lí thuyết làm nền tảng cho đề bài. | ||
Kết quả nghiên cứu | Trình bày đầy đủ, rõ ràng kết quả nghiên cứu. | ||
Đưa ra lí giải và bằng chứng để lần lượt làm sáng tỏ câu hỏi nghiên cứu. |
|
| |
Đề xuất giải pháp cho vấn đề (nếu có). |
|
| |
Kết luận | Tóm lược kết quả nghiên cứu. | ||
Gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài (nếu có). |
|
|
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây