Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Ôn tập SVIP
1. Đọc lại ba văn bản đã học và điền thông tin còn thiếu vào bảng sau.
Văn bản | Nhân vật chính | Chi tiết tiêu biểu (ví dụ) | Chủ đề |
Bồng chanh đỏ |
Hoài Hiền |
Anh Hiền trả lại chim bồng chanh vào tổ khi bắt được. Hoài thầm trò chuyện cùng với chim bồng chanh đỏ sau khi biết chúng phải bỏ tổ mà đi. ...
|
|
Bố của Xi-mông |
Xi-mông Phi-líp Blăng-sốt |
Bác Phi-líp nhận lời làm bố của Xi-mông. ... |
|
Cây sồi mùa đông |
Xa-vu-skin Cô giáo An-na Va-xi-li-ép-na |
Cách giới thiệu về cây sồi hết sức yêu thương, tự nhiên như giới thiệu một người quen cũ của mình với cô giáo: “Nó đây này, cây sồi mùa đông”. Hành động cố gắng vần một mảng tuyết để tìm con nhím sống dưới một cái hố, ân cần đắp cho nhím tấm chăn mộc mạc và trò chuyện với con nhím, khen ngợi nó rất dịu dàng: “Nó tự ủ ấm mới khéo chứ!”. ... |
BỒNG CHANH ĐỎ
Anh Hiền vừa viết thư cho tôi. Lá thư chưa bóc tem, nghĩa là còn mới toanh như kiểu chúng ta vẫn thường nói với nhau. Tôi trích đọc để bạn nghe một đoạn:
"Ở đây, trong Trường Sơn, những cánh rừng rộng bạt ngàn, có đi đến đây mới thấy hết sự giàu đẹp đất nước ta. [...] Còn em thì sao, mùa hè này có năng ra đầm tắm không? Nằm trong rừng mà anh vẫn nhận ra hương thơm thoang thoảng của sen từ đầm làng ta theo gió bay đến đây. Vợ chồng đôi bồng chanh đỏ năm nay đã về làm tổ ở chỗ gốc vối chưa, anh tin là thế nào nó cũng quay lại đầm nước làng mình. Nó bỏ làm sao được cái đầm sen đẹp như vậy, phải không em? Vả lại, chắc nó cũng đã thấy anh em mình đối xử với nó cũng đã đến nỗi nào đâu. Trong cánh rừng bọn anh đóng quân có rất nhiều giống chim lạ, nhưng bồng chanh đỏ thì anh chưa hề gặp".
[...] Thế có nghĩa là trong rừng có rất nhiều giống chim, nhưng giống bồng chanh đỏ trên đầm nước làng tôi thì phải nói là hiếm. Và tôi dám chắc là bạn cũng ít khi đã gặp nó. Tôi có cảm tưởng chỉ ở đầm nước làng tôi mới có bồng chanh đỏ, mà cũng không nhiều lắm đâu bạn ạ.
Con chim ấy thường đậu trên một cọng sen khô ven đầm. Trông nó thật rực rỡ. Cái mỏ nhọn hoắt và oai vệ, dài như một cái quản bút. Lông ức hung hung vàng, còn thì toàn thân đều đỏ hồng như một đốm lửa. Chao ôi, đã bao nhiêu lần anh em tôi đứng trên bờ đầm ngắm nhìn không mỏi mắt bộ cánh rất đẹp của nó. Đừng bao giờ bạn tưởng nó đang ngủ gật nhé, cứ lim dim mắt và ngồi lì một chỗ như thế đấy, nhưng chỉ cần một hòn sỏi nhỏ rơi xuống nước là lập tức cái đầu tinh khôn của nó liền nghênh cao lên ngay. Lúc đó, bạn thấy nó láu lỉnh một cách lạ lùng.
[...] Anh Hiền xuýt xoa bảo nó có một bộ lông mĩ miều biết nhường nào. Phải nói anh là một người mê nuôi chim và sự hiểu biết phong phú của anh về đời sống các loài chim làm cho tôi rất cảm phục. Đi chơi ngoài đường, gặp bất kì chú chim nào bay qua anh cũng có thể nói ngay được tên và cả thói quen sinh hoạt của nó nữa. Các bạn anh vẫn hay gọi đùa anh là nhà sinh vật học tương lai cũng vì thế.
[...] Anh Hiền nói với tôi:
– Hoài nhỉ, ước gì có một đôi bồng chanh đỏ mà nuôi thì thú biết mấy.
Tôi hiểu anh đang mê bồng chanh lắm, mê hơn tất cả những chú chim mà anh đã có trong lồng kia. Sự say mê đó đã truyền sang tôi rất mau. Ngày nào tôi cũng phải ra bờ đầm một lần để được trông thấy bồng chanh thì mới yên tâm. Hôm nào anh Hiền bận thì tôi rủ bọn bạn của tôi cùng ra cho vui, tưởng như nếu từ nay mà thiếu mất nó thì mình phải sầu não cả người cũng nên.
Rồi một hôm, vào lúc gà đã lên chuồng, vừa ăn cơm xong anh Hiền đã rỉ tai tôi:
– Ra đầm.
– Ra làm gì lúc này? – Tôi tròn xoe mắt hỏi lại. – Cứ ra, khắc đi khắc biết.
Trước sự kinh ngạc của tôi, anh chỉ giải thích ngắn gọn như thế. Tôi cun cút bước theo anh, vội vã nữa là đằng khác. Bởi vì bạn ạ, tôi đã phấp phỏng đoán được rằng anh sẽ dành cho mình một “cú” bất ngờ gì đây, một cái gì đó rất chi là lí thú.
[...] Hai anh em chúng tôi đi trên một bờ vùng đắp to như con đê, hai bên đường là những rặng xoan non cao quá đầu người. Mới hôm nào ở đây còn là những thảm lúa chiêm tốt bời bời, mà nay gặt hái coi như đã xong. Trước mặt chúng tôi là một đầm sen rậm rì và im phăng phắc, không thể phân biệt đâu là lá, đâu là hoa, trừ cây vối ven đầm đang vẽ lên nền trời những đường nét rối rắm. Ánh sao lấp lánh trong những vũng nước ruộng. Những gốc rạ nhô lên san sát. Giờ thì tôi hiểu anh Hiền rủ tôi ra ngoài này làm gì rồi. Ngực tôi bắt đầu thở phập phồng vì hồi hộp. Bước chân của anh đặt nhẹ trên đường, tôi cảm thấy không phải anh đang đi mà là anh lướt trên mặt đất. Riêng tôi thì sao mà vụng về, con đường này có gì lạ lẫm với tôi, vậy mà đã mấy lần tôi bị vấp, mỗi lần như thế anh tôi lại “xì” một tiếng để cảnh cáo.
Tới gần cây vối, anh Hiền khoát tay ra lệnh cho tôi đứng lại. Một mình anh lom khom tiến về phía tổ bồng chanh, cứ vài bước anh lại dừng chân nghe ngóng, rồi cuối cùng, nhanh như chớp anh nhoài tới nằm sấp trên bờ cỏ. Chỉ chờ có thể, tôi tự cho phép mình lao lên ngay. Tôi thấy anh Hiền đang dùng một bàn tay lấp kín cửa hang bồng chanh. Anh bảo tôi:
– Nhảy xuống!
Tôi ba chân bốn cẳng lội xuống nước, không kịp xắn hai ống quần, bùn dưới chân tôi kêu lép bép. Bàn tay anh Hiền chỉ chịu bỏ ra khi tay tôi đã đưa hẳn vào hang. Lòng hang nhẵn và khô ráo. Mùi tanh của tép đồng xộc lên mũi tôi. Biết chắc đây là tổ bồng chanh rồi, nhưng sao tôi cứ thấy rờn rợn, nhỡ mà có một chú rắn cạp nong đang nằm khoanh tròn trong đó! Cánh tay tôi đã ngập trong hang, nhưng chim thì vẫn chẳng thấy. Nhầm chăng? Tôi cố sức thọc sâu hơn nữa.
– Còn sâu không?
– Sâu lắm, hình như có một cái ngách.
– Cố tí nữa.
Mấy ngón tay tôi đặt xuống gò đất ẩm lạnh trong hang. Vẫn chẳng thấy gì, tôi rút tay ra và thở dài, không giấu được sự thất vọng. Thật là ngao ngán hết chỗ nói, có lẽ nào đây chỉ là một cuộc phục kích hụt?
– Để đấy tao.
Anh Hiền xắn tay áo nhảy xuống, tôi đứng né sang một bên nhường chỗ cho anh. Càng vào sâu lòng hang càng rộng dần, vì thế tuy tay anh to hơn tay tôi nhưng cho vào vẫn không có gì khó lắm. Chợt tôi thấy anh huýt sáo:
– Được rồi!
Anh rút tay ra, lấy khuỷu tay kia bịt cửa hang, lôi đón từ tay anh một chú chim bồng chanh. Đêm tối, tôi không nhận ra được màu lông của nó, chỉ thấy nó nằm im thin thít trong lòng bàn tay tôi. Dường như nó quá hoảng sợ vì biết mình đã bị bắt cóc. Để an ủi con chim xinh đẹp, tôi âu yếm vuốt nhẹ lên đôi cánh mượt mà của nó.
Anh Hiền lại đưa tay vào tổ. Nhưng lần này anh để tay trong hang hơi lâu, khiến tôi sốt cả ruột. Rồi anh rút tay ra, một bàn tay không!
– Được một con cũng đủ khoái rồi.
Tôi đoán anh không vui nên nói vậy. Anh vẫn im lặng đứng đó, ngay trước cửa hang bồng chanh. Đột nhiên, anh nói với tôi:
– Đưa nó đây cho tao.
Tôi chột dạ, có ý ngần ngừ. Gần như anh Hiền đã cướp lấy con chim từ trong tay tôi và thật tôi không sao hiểu nổi, anh đã đặt nó trở lại tổ.
– Thôi tha cho vợ chồng nó, chúng nó còn có con nhỏ.
Thú thật là lúc đó tôi rời khỏi tổ bồng chanh rất khó khăn. Đã bao lâu nay tôi ao ước có một đôi bồng chanh để nuôi, đến cả trong giấc ngủ tôi cũng mơ thấy chúng. Vậy mà bây giờ nắm chúng trong tay rồi lại phải thả ra thì không tiếc ngẩn tiếc ngơ sao được. Nhưng anh Hiền đã quyết định thế thì tôi chỉ còn biết chấp hành. Dù sao, để tỏ ý không tán thành, trước khi nhảy lên bờ tôi đã hắt xì hơi mấy tiếng thật to.
Dọc đường, tôi thấy anh Hiền vẫn trầm ngâm, anh đi như chạy làm tôi theo bở hơi tai.
Cái lò gạch ở cuối cánh đồng đang phun lửa sáng rực và ánh đèn ô tô ngoài đường cái quét lên nền trời những luồng ánh sáng xanh biếc. Lúc về đường bao giờ cũng ngắn hơn lúc đi, người ta nói thế mà đúng, chỉ một loáng anh em tôi đã đến cổng làng. Từ sân phơi của hợp tác đội đến những âm thanh nghe vui như một đàn ong đang xây tổ. Tôi nghĩ bụng, biết thế này ở nhà mà lăn ra nằm tán dóc với mấy thằng bạn dưới chân một đống rơm nào đó lại hơn. Chuyện lạ đời, thả con bồng chanh đã bắt được ra! Liệu lát nữa kể lại chuyện này chúng nó có tin không? Thế nào cũng có đứa bảo mình là nói điêu cho mà xem. Càng nghĩ tôi càng thấy giận anh Hiền. Ông ấy vẫn có vẻ thanh thản lắm, chẳng bù cho ban nãy, cứ lom khom lom khom, lại còn “xì” cảnh cáo tôi khi tôi trót làm động nữa! Được rồi, đêm mai tôi sẽ có cách, tôi sẽ rủ thêm mấy thằng bạn ra đó, những đứa không làm hỏng việc, mà cũng có thể tôi đi một mình, như thế hành động sẽ mau lẹ hơn.
[...]
Hôm sau, ở trường về là tôi ra đồng ngay. Tôi muốn được nhìn thấy chú bồng chanh mà đêm qua mình đã túm gọn. Nấp sau mô đất cao, tôi đưa mắt tìm kiếm quanh đầm nhưng chẳng thấy bóng dáng con chim màu đỏ ấy. Hay là cả hai vợ chồng nó đều đi kiếm ăn cả rồi?
Có tiếng chân người phía sau di đến, tôi giật mình quay lại. Tưởng ai, hoá ra là anh Hiền.
– Đừng chờ vô ích – anh nói – chúng nó sơ tán đến chỗ khác rồi.
– Thế còn các con nó?
– Nó cắp theo chứ sao. Bồng chanh chuyển tổ là thưởng, thấy động là chúng đi ngay.
– Lẽ ra hôm qua phải bứng lấy chúng – Tôi nổi xung lên nói với anh.
– Mày tồi lắm, tao hỏi, nếu có đứa nào phá rối nhà mày thì mày tính sao?
– Thì nên cho chúng một trận chứ sao?
– Vậy thì mày có muốn đóng vai thằng ăn cướp đối với gia đình con bồng chanh không? Cũng may con bồng chanh đó nó không biết chống cự đấy, nếu không thì nó tha gì mày.
Đuối lí, tôi đành nằm im, lơ đãng nhìn ra ngoài đầm.
[...] Tôi nằm trên bờ đầm lơ đãng nhìn ra xa mà nghĩ ngợi miên man. Tôi thương đôi vợ chồng bồng chanh bây giờ đã tha con đến một cánh đồng nào, ở một đầm nước xa lạ, chúng lại phải cùng nhau xây tổ để tránh mưa tránh nắng và con chồng lại lang thang kiếm tôm tép mang về nuôi con. Cuộc sống của chúng có chắc được yên ổn không, hay rồi cũng sẽ bị một lũ trẻ như tôi rình mò bắt bớ. Chúng đang nghĩ về chúng tôi như thế nào sau buổi tối hôm qua, hẳn chúng phải oán giận lắm. Tôi thầm kêu lên: "Bồng chanh, bồng chanh ơi, hãy yên tâm mà trở về đầm này. Chúng tao yêu mày và ở đây mày cũng đỡ vất vả. Nhà cửa có sẵn cả rồi, đồng tao tôm tép nhiều, mày đỡ phải lặn lội. Vợ mày cứ ngồi trước tổ mà trông con cái, và soi mình xuống nước rỉa lông, làm dáng...".
(In trong Chuyện mùa hạ, tập hai, Đỗ Chu, NXB Văn học, 2010)
Chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ là gì?
BỐ CỦA XI-MÔNG (SIMON)
Guy-đơ Mô-pát-xăng (Guy de Maupassant)
Lược phần đầu: Lớp học vừa tan nhưng lũ trẻ không chịu về nhà mà túm tụm nhau lại bàn tán, vì hôm nay, cậu bé Xi-mông, con của chị Blăng-sốt (Blanchotte), lần đầu tới trường. Xi-mông là cậu bé không có bố. Cậu được sinh ra sau lầm lỡ của người mẹ trong tình yêu. Chính vì vậy, các bạn học đã xúm lại trêu chọc Xi-mông. Thậm chí, lũ trẻ còn đánh em khi thấy em nổi giận với cậu bé chế giễu mình nhiều nhất. Bị đánh, Xi-mông vừa đau đớn, vừa buồn tủi nên em quyết định nhảy xuống sông cho chết đuối.
Trời ấm áp vô cùng, dễ chịu vô cùng. Ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm bãi cỏ. Nước lấp lánh như gương. Và Xi-mông có những giây phút khoan khoái, có cái cảm giác uể oải thường thấy sau khi khóc, em rất thèm được nằm ngủ ở đây, trên mặt cỏ, dưới nắng ấm.
Một chú nhái con màu xanh lục nhảy dưới chân em. Em định bắt nó. Nó nhảy thoát. Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền. Cuối cùng em tóm được hai đầu chân sau của nó và bật cười nhìn con vật cố giãy giụa thoát thân. Nó thu mình trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên, đột ngột duỗi cẳng, ngay đơ như hai thanh gỗ; trong lúc giương tròn con mắt có vành vàng, nó dùng hai chân trước đập vào khoảng không, huơ lên như hai bàn tay. Thấy vậy, em nhớ đến một thứ đồ chơi làm bằng những thanh gỗ hẹp đóng đinh chữ chi chồng lên nhau, và với động tác cũng giống như vậy, điều khiển các chú lính nhỏ cài bên trên tập tành. Thế là em nghĩ đến nhà, rồi nghĩ đến mẹ, và thấy buồn vô cùng, em lại khóc. Người em rung lên, em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Nhưng em không đọc hết được, vì những cơn nức nở lại kéo đến, dồn dập, xốn xang choán lấy em. Em chẳng nghĩ ngợi gì nữa, chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa mà chỉ khóc hoài.
Bỗng một bàn tay chắc nịch đặt lên vai em và một giọng ồm ồm hỏi em: "Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?".
Xi-mông quay lại. Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn em với vẻ nhân hậu. Em trả lời, mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào:
– Chúng nó đánh cháu... vì... cháu... cháu... không có bố... không có bố.
– Sao thế – bác ta mỉm cười bảo – ai mà chẳng có bố.
Em bé nói tiếp một cách khó khăn, giữa những tiếng nấc buồn tủi:
– Cháu... không có bố.
Bác công nhân bỗng nghiêm lại; bác nhận ra thằng bé con nhà chị Blăng-sốt, và tuy mới đến vùng này, bác cũng đã mong manh biết chuyện của chị.
– Thôi nào – bác nói – đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu... một ông bố.
Hai bác cháu lên đường, người lớn dắt tay đứa bé, và bác lại mỉm cười, vì bác chẳng khó chịu được đến gặp chị Blăng-sốt, nghe đồn chị là một trong những cô gái đẹp nhất vùng; có lẽ trong thâm tâm, bác nhủ thầm rằng một tuổi xuân đã lầm lỡ rất có thể lỡ lầm lần nữa.
Họ đến trước một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ.
– Đây rồi – đứa trẻ nói, và em gọi to – Mẹ ơi!
Một thiếu phụ xuất hiện, và bác công nhân bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ra ngay là không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà nơi chị đã bị một kẻ khác lừa dối. E dè, mũ cầm tay, bác ấp úng:
– Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.
Nhưng Xi-mông nhảy lên ôm lấy cổ mẹ, lại òa khóc và bảo:
– Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con... đánh con... tại con không có bố.
Đôi má thiếu phụ đỏ bừng và, tê tái đến tận xương tủy, chị ôm con hôn lấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn rơi. Người đàn ông xúc động vẫn đứng đó, không biết bỏ đi thế nào cho phải. Nhưng Xi-mông vẫn chạy đến bên bác và nói:
– Bác có muốn làm bố cháu không?
Im lặng như tờ. Chị Blăng-sốt hổ thẹn, lặng ngắt và quằn quại, dựa vào tường, hai tay ôm ngực. Thấy người ta không trả lời mình, em bé lại nói:
– Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối.
Bác công nhân cười đáp coi như chuyện đùa:
– Có chứ, bác muốn chứ.
– Thế bác tên là gì – em bé liền hỏi – để cháu trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên bác?
– Phi-líp – người đàn ông đáp.
Xi-mông im lặng một giây, để ghi nhớ cái tên ấy trong óc, rồi hết cả buồn, em vươn hai cánh tay nói:
– Thế nhé! Bác Phi-líp, bác là bố cháu.
Bác công nhân nhấc bổng em lên, đột ngột hôn vào hai má em, rồi sải từng bước dài, bỏ đi rất nhanh.
Ngày hôm sau, khi em bé đến trường, một tiếng cười ác ý đón em. Và lúc tan học, khi thằng kia lại muốn trêu chọc, Xi-mông quát vào mặt nó những lời này, như ném một hòn đá: "Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp".
Khắp chung quanh bật lên những tiếng la hét thích thú:
– Phi-líp là gì?... Phi-líp nào?... Phi-líp là cái gì?... Mày lấy đâu ra Phi-líp của mày thế?
Xi-mông không trả lời gì hết, và một mực tin tưởng sắt đá, em đưa con mắt thách thức chúng, sẵn sàng chịu hành hạ, còn hơn là bỏ chạy. Thầy giáo giải thoát cho em và em về nhà.
Suốt ba tháng ròng, bác thợ cao lớn thường tạt qua nhà chị Blăng-sốt, và đôi khi bác đánh bạo nói chuyện với chị, khi thấy chị ngồi khâu bên cửa sổ. Chị trả lời bác nhã nhặn, lúc nào cũng nghiêm trang, chẳng bao giờ cười với bác và không bao giờ để bác vào nhà. Tuy nhiên, cũng hợm mình đôi chút như mọi người đàn ông, bác cứ tưởng tượng rằng chị hay đỏ mặt hơn thường lệ, mỗi khi trò chuyện với bác.
Nhưng một thanh danh đã bị mai một thật khó mà gây dựng lại và cũng rất đỗi mong manh, đến mức, mặc dù chị Blăng-sốt ngại ngùng giữ gìn, trong vùng đã thấy đồn đại.
Còn về Xi-mông thì em rất yêu ông bố này và hầu như chiều nào, xong việc em cũng đi chơi với bố. Em đến trường đều đặn và đi qua giữa các bạn học, hết sức đàng hoàng, không bao giờ đáp lại chúng.
Thế mà một hôm cái thằng đã tấn công em đầu tiên bảo với em
– Mày nói dối, mày chẳng có bố nào tên là Phi-líp.
– Sao lại thế? – Xi-mông rất xúc động hỏi. Thằng kia xoa hai tay vào nhau. Nó tiếp:
– Bởi vì nếu mày có bố thì ông ấy phải là chồng của mẹ mày. Xi-mông mất bình tĩnh trước tính chính xác của lập luận ấy, tuy vậy em vẫn trả lời: – Nhưng cứ là bố của tớ.
Thằng kia cười khẩy bảo:
– Có thể lắm, nhưng không phải bố của mày hẳn hoi.
Lược dẫn: Băn khoăn vì cuộc nói chuyện với cậu bé kia, cuối giờ học, Xi-mông rẽ vào lò rèn tìm bác Phi-líp. Xi-mông ngây thơ kể lại cho bác nghe nội dung cuộc trò chuyện với bạn, về việc bác Phi-líp không phải là bố “hẳn hoi” vì không phải là chồng của mẹ. Những người thợ rèn cùng làm việc với bác Phi-líp lúc đó đều nói rằng chị Blăng-sốt vẫn là một cô gái tốt, xứng đáng làm vợ một người đàn ông tử tế. Bác Phi-líp đột ngột dặn Xi-mông về nói với mẹ là tối nay bố sẽ đến nói chuyện.
Trời đầy sao khi bác đến gõ cửa nhà chị Blăng-sốt. Bác mặc áo khoác ngày Chủ nhật, sơ mi mới và râu tóc đã sửa sang. Thiếu phụ bước ra thềm và bảo bác vẻ phiền muộn:
– Thưa ông Phi-líp, ông đến lúc đêm hôm thế này quả thực không phải lắm.
Bác muốn trả lời, bác ấp úng và bối rối đứng trước chị. Chị tiếp:
– Mà ông cũng biết rằng không nên để người ta bàn tán về tôi nữa.
Thế là bác nói, hết sức đột ngột:
– Thì có sao đâu nếu cô chịu làm vợ tôi!
Không ai trả lời bác, nhưng bác tưởng tượng như trong bóng tối căn phòng, có người gục xuống. Bác bước vào thật nhanh và Xi-mông nằm trên giường, em nghe thấy tiếng hôn và mấy lời mẹ thì thầm rất khẽ. Rồi đột nhiên, em thấy mình được bế bổng lên trong tay bác và bác nhấc bổng em trên hai cánh tay hộ pháp, hét lên bảo em:
– Nói với các bạn học của con rằng bố con là Phi-líp Rê-mi (Philip Remy), bác thợ rèn, và bố sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt con.
Ngày hôm sau, thấy trường đã đông chật và giờ học sắp bắt đầu, Xi-mông đứng dậy, mặt tái nhợt, môi run run.
“Bố tớ ấy, – em nói rành rọt, – bố tớ là Phi-líp Rê-mi, bác thợ rèn, và bố tớ hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt tớ”.
Lần này chẳng người nào cười nữa, vì cái nhà bác Phi-líp Rê-mi, thợ rèn, thì biết rõ lắm rồi, và đấy thật là một ông bố, mà ai có được cũng phải lấy làm tự hào.
(Trích từ Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỉ XIX, nhiều tác giả, Lê Hồng Sâm dịch, NXB Đại học Tổng hợp, 1986)
Chủ đề của truyện Bố của Xi-mông là gì?
CÂY SỒI MÙA ĐÔNG
Iu-ri Na-ghi-bin (Yuri Nagibin)
Lược phần đầu: Trong tiết học về danh từ của cô An-na Va-xi-li-ép-na (Anna Vasilyevna), học sinh tìm được rất nhiều ví dụ đúng, riêng cậu bé Xa-vu-skin (Savushkin) hay đi học muộn (dù nhà không quá xa trường) chọn từ “cây sồi mùa đông”, mặc dù đã được nhắc “cây sồi” mới là danh từ nhưng em vẫn lặp đi lặp lại câu này. Cô giáo cho rằng Xa-vu-skin đã nói dối li do thường đi học muộn. Vì thế, cô quyết định theo Xa-vu-skin về nhà gặp mẹ em để tìm hiểu nguyên nhân. Cậu bé dẫn cô đi “con đường tắt” qua một cánh rừng.... Nhờ đó, cô hiểu đúng về “cây sồi mùa đông” của Xa-vu-skin và li do khiến em thường đi học muộn.
[…]
Con đường mòn chạy vòng qua bụi phi tử và rừng lập tức tản ra: giữa một bãi trống, một cây sồi khổng lồ mặc bộ y phục trắng tinh, lấp lánh, nom uy nghi như một nhà thờ lớn. Dường như cây cối kính cẩn dạt ra nhường chỗ cho bậc đàn anh bộc lộ hết sức vóc tráng sĩ của mình. Những cành cây phía dưới xoè rộng thành một mái lều bên trên bãi trống. Tuyết lấp đầy những nếp nhăn hoắm sâu trong vỏ cây và cái thân cây tầm ba người ôm được gộp bằng những sợi chỉ bạc. Lá khô héo qua mùa thu hầu như chưa rụng, cây sồi vẫn xum xuê cho đến tận ngọn, mỗi phiến lá đều mang tấm vỏ bao bằng tuyết.
- Nó đây này, cây sồi mùa đông!
An-na Va-xi-li-ép-na rụt rè bước một bước về phía cây sồi và người canh rừng hùng vĩ, độ lượng khẽ khua động một cành cây đón chào cô.
Không hề biết những gì đang diễn ra trong tâm hồn cô giáo, Xa-vu-skin loay hoay dưới gốc cây sồi, cư xử một cách tự nhiên với người quen cũ của mình.
- Cô An-na Va-xi-li-ép-na, cô nhìn xem này!
Nó gắng sức vần một tảng tuyết bên dưới bết những đất cùng với đám cỏ mục nát vẫn còn sót lại. Ở đây, trong một cái hố, có một cục tròn bọc trong những tấm lá đã mủn nát mỏng dính như mạng nhện. Qua lớp lá thòi ra những đầu kim nhọn hoắt.
An-na Va-xi-li-ép-na đoán ra đấy là con nhím.
– Nó tự ủ ấm mới khéo chứ! – Xa-vu-skin ân cần đắp cho con nhím tấm chăn mộc mạc của nó. Rồi thằng bé bới tuyết cạnh một khúc rễ khác. Trước mắt là một cái hang nhỏ xíu, trên vòm có những trụ băng rủ xuống như tua viền. Trong hang, một con nhái màu nâu nom như bằng bìa cứng ngồi chồm hổm, làn da căng dính xương bóng như đánh vec-ni(vecni), Xa-vu-skin sờ vào con nhái, nó không động đậy.
– Vờ vĩnh! – Xa-vu-skin bật cười – Làm như đã chết rồi. Thế mà nắng ấm lên là nó nhảy ngay đi cho mà xem, ôi chao, cứ là như choi choi ấy!
Thằng bé tiếp tục đưa An-na Va-xi-li-ép-na đi thăm cái thế giới bé nhỏ của mình.
Dưới gốc sồi còn nhiều khách trọ khác: bọ dừa, thằn lằn, rệp cây. Một số ẩn kín dưới các nhánh rễ, số khác rúc vào những kẽ vỏ cây. Con nào cũng gầy nhom, dường như bên trong rỗng tuếch, chúng ngủ vùi cho qua mùa đông. Cái cây cường tráng, tràn trề nhựa sống tích tụ quanh nó nhiều sinh lực ấm áp đến nỗi loài thú đáng thương không thể tìm đâu ra căn nhà tốt hơn. Lòng rộn ràng vui thích, An-na Va-xi-li-ép-na mải mê quan sát đời sống bí mật của rừng, trước nay cô chưa từng biết đến cuộc sống như thế, bỗng nhiên cô chợt nghe thấy tiếng kêu lo lắng của Xa-vu-skin:
– Chết thôi, cô sẽ không gặp được mẹ em nữa rồi!
An-na Va-xi-li-ép-na vội đưa đồng hồ lên sát tận mắt. Ba giờ mười lăm. Cô có cảm giác như mình bị sa bẫy. Và trong thâm tâm, thầm xin cây sồi tha thứ cho cái mưu mẹo nhỏ hợp tình người của mình, cô nói:
– Thế đấy, Xa-vu-skin ạ, điều đó chỉ có nghĩa rằng con đường tắt vẫn chưa phải là con đường đúng nhất. Em sẽ phải đi học bằng đường nhựa thôi.
Xa-vu-skin không đáp lại gì hết, chỉ cúi đầu xuống.
“Trời ơi — An-na Va-xi-li-ép-na nghĩ, không khỏi cảm thấy đau đớn trong lòng – Có cách nào thú nhận sự bất lực của mình rõ rệt hơn thế không?”. Cô nhớ đến bài giảng hôm nay và tất cả những bài giảng khác của mình; cô đã giảng một cách nghèo nàn, khô khan, lạnh nhạt làm sao về từ ngữ và tiếng nói, cái mà thiếu nó thì con người trở nên câm lặng trước thế giới, bất lực trong tình cảm, về tiếng mẹ đẻ, cái tiếng nói cũng tươi mát, mĩ lệ và giàu có như cuộc sống phong phú và tươi đẹp.
Ấy vậy mà cô vẫn tự coi mình là một cô giáo dạy giỏi đấy! Có lẽ cô chưa tiến nổi một bước trên con đường mà một đời người chưa đủ để đi cho hết. Vả chăng, con đường ấy ở đâu kia chứ? Tìm ra nó cũng gay go và không dễ gì hơn tìm chiếc chìa khoá mở hộp đựng vật báu của Ka-sây (Kasey). Nhưng qua niềm vui sướng của các em học sinh khi các em reo lên: “máy kéo... giếng... chuồng chim”, niềm vui sướng mà cô không hiểu nổi, cô đã thấy lờ mờ ló ra cái cột mốc đầu tiên.
– Xa-vu-skin ạ, cám ơn em đã đưa cô đi dạo chơi. Tất nhiên là em vẫn có thể cứ đi con đường này.
– Em cám ơn cô, cô An-na Va-xi-li-ép-na!...
Xa-vu-skin đỏ mặt, em rất muốn nói với cô giáo rằng em sẽ không bao giờ đi học muộn nữa, nhưng em sợ rằng em không làm được như lời. Em dựng cao cổ áo blu-dông (bloison)', ấn xụp cái mũ có tai xuống.
– Em đưa cô đi.
– Không cần, Xa-vu-skin ạ, cô về một mình cũng được.
Thằng bé nhìn cô giáo với vẻ ngờ vực, rồi nhặt dưới đất lên một cái gậy, bẻ gập cái đầu cong của nó và đưa cho cô giáo.
– Nếu cô gặp con thú có sừng, cô cứ quật vào lưng nó một cái, nó sẽ bỏ chạy ngay.
Hay cô chỉ cần giơ gậy lên doạ cũng đủ làm nó sợ rồi! Kẻo không nó giận và sẽ bỏ rừng đi biệt mất.
– Được Xa-vu-skin ạ, cô sẽ không đánh nó đâu!
Đi được một quãng, An-na Va-xi-li-ép-na ngoảnh lại nhìn cây sồi lần cuối, cái cây màu trắng hồng trong ánh hoàng hôn và cô thấy một dáng hình nhỏ nhắn màu tối thẫm dưới gốc cây. Xa-vu-skin chưa đi, em vẫn đứng đằng xa bảo vệ cô giáo của mình. Và An-na Va-xi-li-ép-na bỗng hiểu rằng cái kì diệu nhất trong khu rừng này không phải là cây sồi mùa đông, mà là con người nhỏ bé đi đôi ủng da đã doãng ra kia, mặc bộ quần áo đơn sơ chữa lại của người lớn, con trai của người lính đã hi sinh vì Tổ quốc và của “người hộ lí của nhà tắm hương sen”, chú bé công dân tuyệt diệu và bí ẩn của tương lai.
Cô giơ tay vẫy em và thong thả đi tiếp con đường ngoằn ngoèo.
(In trong Người thầy đầu tiên, Phạm Mạnh Hùng dịch, NXB Đà Nẵng, 2001)
Chủ đề của truyện Cây sồi mùa đông là gì? (Chọn 2 đáp án)
2. Em thích nhất truyện nào trong ba truyện Bồng chanh đỏ, Bố của Xi- mông, Cây sồi mùa đông? Vì sao?
Ví dụ: Em thích nhất truyện Bồng chanh đỏ vì truyện đã gửi gắm đến bạn đọc thông điệp vô cùng ý nghĩa: cần tôn trọng, bảo vệ sự sống của các loài động vật, nhất là các loài động vật quý hiếm. Không chỉ vậy, truyện còn có cách kể rất tự nhiên, thú vị.
3. Tìm biệt ngữ của giới trẻ trong câu sau và giải thích ý nghĩa.
Nếu bạn đang nhớ xứ sở Chùa Vàng mà chưa có cơ hội đi thì hãy thử trải nghiệm không gian đậm chất Thái hót hòn họt này nha...
(Theo Mực tím online)
Bấm chọn biệt ngữ xã hội trong câu sau.
Nếu bạn đang nhớ xứ sở Chùa Vàng mà chưa có cơ hội đi thì hãy thử trải nghiệm không gian đậm chất Thái hót hòn họt này nha...
(Theo Mực tím online)
Biệt ngữ xã hội vừa tìm được trong câu hỏi trên có nghĩa là gì?
4. Nêu một số lưu ý về cách viết bài văn phân tích một tác phẩm.
- Về nội dung:
+ Cần nêu được chủ đề của tác phẩm.
+ Nêu và phân tích một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Về hình thức:
+ Cần lập luận chặt chẽ, có bằng chứng tin cậy từ tác phẩm.
+ Cần diễn đạt mạch lạc, sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí.
+ Cần đảm bảo bố cục ba phần: mở bài - thân bài - kết bài.
5. Cần chú ý những điều gì khi lắng nghe và tóm tắt nội dung trình bày của người khác?
- Cần lắng nghe thông tin về tác giả, tác phẩm, cốt truyện, nhân vật chính, chủ đề, một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật,...
- Theo dõi và ghi tóm tắt các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng mà người nói sử dụng trong bài thuyết trình.
- Ghi những câu hỏi muốn trao đổi với người nói.
6. Vì sao chúng ta cần nuôi dưỡng tình yêu thương và niềm hi vọng trong cuộc sống?
Ví dụ:
- Để chúng ta luôn có một tâm hồn đẹp, sống nhân văn, lạc quan hơn.
- Để chúng ta có cơ hội giúp đỡ mọi người, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.
- Để tạo nên một xã hội tốt đẹp, văn minh hơn.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây