Trong nhịp sống ồn ào và vội vã của thế giới hiện đại ngày hôm nay, con người dần trở nên trống rỗng, bất an giữa guồng quay bất tận của xã hội. Chúng ta dần rời xa giá trị thật của “Yêu Thương” và tự biến mình thành những khối băng di động, xem nó là cách để chống chọi với thế giới khắc nghiệt ngoài kia. Vì vậy, tôi từng nghĩ có lẽ sợi dây kết nối yêu thương của thế giới này mong manh quá. Cuộc sống khiến con người kiệt quệ đến mức họ chỉ có thể nghĩ về nỗi đau của bản thân mình không còn đủ sức để yêu thương thêm một ai đó khác. Song tôi đã thay đổi suy nghĩ ấy khi đọc câu truyện “Ông lão vứt bỏ đôi giày”. Câu chuyện như khai sáng cho đầu óc hạn hẹp của tôi. Thay vì cố gắng níu kéo hạnh phúc không thuộc về mình, chi bằng buông tay biết đâu chính điều ấy lại mang lại hạnh phúc cho người khác.
Câu chuyện kể về ông lão Gandhi khi đi lên tàu không may đánh rơi một bên giày của mình. Đó là một đôi giày mới nên ai cũng cảm thấy đáng tiếc cho Gandhi. Nhưng ông lại có hành động làm mọi người bất ngờ là ném chiếc giày thứ hai ra bên ngoài cửa sổ và ung dung giải thích “ Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai nhặt được đôi giày, nói không chừng họ có thể mang vừa nó thì sao!". Câu chuyện đi có đôi dòng thế thôi mà khiến lòng tôi không ngừng thổn thức. Qua câu chuyện ấy, tôi hiểu rằng: đôi khi chúng ta nên gạt bỏ cái tôi vị kỷ sang một bên, chấp nhận bỏ đi những thứ không còn giá trị với mình biết đâu nó chính là món quà hạnh phúc đối với người khác.
Thế giới hôm nay trôi đi vội vàng với mỗi người trong tư thế vươn ra biển lớn với một cái đầu lạnh chỉ toàn tư duy và lý trí. Biển đời lạnh lẽo, tình người dần đóng băng. Vậy làm sao chúng ta có thể phát triển trên mảnh đất băng giá ấy. Câu hỏi đó bỏ lửng chờ đợi được trả lời. Và khi ấy yêu thương trở thành ngọn lửa sưởi ấm cho chúng ta giữa biển đời rét buốt. Với một trái tim yêu thương ta sẽ nghe được những âm vang từ cuộc sống, nghe ai đó kêu gào vì đói khổ, mở mắt nhìn những số phận hẩm hiu éo le đang chật vật với cuộc sống mưu sinh đầy trắc trở. Từ đó, chúng ta sẵn sàng mở lòng, góp sức lực nhỏ bé của mình để tương trợ cho những mảnh đời bất hạnh khác. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của anh “Phi một chân” - một Youtuber giàu lòng nhân ái. Anh mất đi chân trái của mình khi còn bé và chính khiếm khuyết ấy đã làm anh bị bạn bè trêu chọc, cười cợt. Nhưng chính nó là động lực để anh Phi bắt đầu đi trên con đường việc tử tế, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, kết nối với các nhà hảo tâm nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn qua kênh Youtube của mình. Anh từng chia sẻ “Dù sao cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, phía trước là bầu trời. Số phận không thể thay đổi nhưng cuộc sống có thể tốt hơn”. Và anh đã làm cuộc sống mình tốt hơn bằng việc sẻ chia yêu thương với những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.
Có câu nói “Đời là bể khổ”. Quả đúng là như vậy khi trong xã hội không ít những người bị Tạo hóa bỏ rơi phải sống trong đau khổ triền miên, bị nỗi đau tinh thần và thể xác giày vò mỗi ngày. Ngay khi họ đau đớn như vậy, họ có còn đủ sức để suy nghĩ đến người khác hay không? Đúng như triết lý mà nhà văn Nam Cao từng gửi gắm trong lão hạc “ Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, không ai sinh ra đã là người xấu xa nhưng cái khổ đã khiến họ trở thành người vô tâm, lựa chọn sống vì bản thân thay vì chấp nhận chia sẻ hạnh phúc cùng người khác. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, tại sao chúng ta không thử một lần mở lòng để tìm ra cánh cửa hạnh phúc thuộc về mình? Trong toán học mọi phép chia đều cho ra kết quả nhỏ hơn nhưng riêng trong cuộc sống khi chia đi ta sẽ nhận được nhiều hơn ban đầu”. Đó là chia đi nụ cười, chia đi những niềm vui… Phép chia đó là phép chia hạnh phúc. Nó xua tan mây mù giăng kín trong tâm hồn của người khác và cũng là sự giải thoát cho chính mình khỏi nhà tù tâm trí của sự vị kỷ. Đơn cử như hành động cùng đóng góp hỗ trợ bà con ở xã Bình Minh, tỉnh Quảng Nam sau cơn bão Chan Chu đi qua. Bão đã tan nhưng vẫn phủ lên không gian của mảnh đất xứ quảng một màu tang thương, chết chóc bởi những giọt nước mắt, tiếng kêu gào thảm thiết gọi tên người thân trong vô vọng. Ngay lập tức, những nhà hảo tâm đã cùng nhau đoàn kết gửi một số tiền hỗ trợ cho đồng bào Quảng Nam bao gồm cả nhu yếu phẩm thiết yếu và vật dụng cứu trợ… Thậm chí, cả một cụ già neo đơn cuộc sống còn nhiều bấp bênh vẫn gửi những thùng mì cuối cùng trong nhà cho bà con xứ Quảng chống đói khi lũ về. Chúng ta mở lòng sẻ chia yêu thương để nỗi đau trong lòng được với bớt, để nhận ra rằng chúng ta không hề cô độc giữa biển yêu thương của cuộc đời.
Nhưng “của cho không bằng cách cho”. Chúng ta cho đi những điều không còn giá trị với mình với mong muốn nó có thể mang lại hạnh phúc cho người khác chứ không phải coi họ là nơi vứt bỏ những món đồ vô giá trị của mình. Việc ủng hộ quần áo ấm giúp đỡ bà con miền Trung khi mùa đông sắp đến gần đang được phát động trên khắp các tỉnh. Bên cạnh những bộ đồ mới, nguyên vẹn, sạch sẽ được gấp gọn gàng, cẩn thận gửi đến các hội, nhóm làm từ thiện thì đâu đó vẫn xuất hiện những trang phục không phù hợp, có phần lố bịch khiến không ít người bức xúc.Mới đây, hình ảnh về những bộ quần áo cũ, rách, không phù hợp,… được chia sẻ rộng rãi trên khắp cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều bộ đồ đã rách tả tơi, không thể mặc được. Đây là một điều đáng bị lên án mạnh mẽ. Những người khó khăn cần sự sẻ chia thật sự chứ không phải là sự “bố thí” hay coi việc thiện nguyện là dịp “dọn nhà” bỏ đi những thứ vô giá trị.
Câu chuyện “Ông già đánh rơi chiếc giày” đã giúp tôi được hạnh ngộ với giá trị cao cả và đích đến của yêu thương. “Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương”. Cuộc sống như một bát nước đầy chứa giọt nước của yêu thương, nếu ta biết cách yêu thương thì bát nước cứ thế đong đầy bằng niềm vui và hạnh phúc nhưng cũng sẽ khô cạn dần nếu khép chặt cửa trái tim giữ cho mình suy nghĩ ích kỉ. Và có lẽ hôm nay chúng ta cần mở rộng tâm hồn mình đón nhận tình yêu thương và lan tỏa chúng bởi “Bàn tay trao đi hoa hồng bao giờ cũng lưu lại hương thơm”. Sau tất cả mọi tổn thương và nỗi đau vẫn luôn nguyện cầu:
“ Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có một ngày mới để yêu thương”
Bình luận (0)